Khi nào bạn cần căn chỉnh độ chụm bánh xe?

Một chiếc xe chỉ được xem là an toàn khi hệ thống bánh xe vừa đảm bảo nâng đỡ toàn bộ thân xe, vừa phải tối ưu khả năng bám đường, tạo cảm giác êm ái khi lái cũng như đảm bảo độ bền cho các chi tiết như giàn rô tuyn, cao su, bi moay ơ, giảm thiểu độ mài mòn của lốp xe… Trên thực tế sử dụng, sau khi xe chạy được một thời gian dài, do mòn cơ học tự nhiên của các cơ cấu hệ thống lái (rô tuyn, giảm xóc, càng A,…) sẽ dẫn đến các góc định vị của bánh xe bị sai lệch so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Những lỗi kỹ thuật có liên quan đến góc đặt bánh xe gọi chung là “độ chụm bánh xe”.

Lúc này, các bánh xe sẽ không chuyển động theo cùng một hướng, lốp dần bị mòn không đều vì bị kéo lê trong khi quay, vô lăng bị vẹo khi xe chạy thẳng. Khi xe vào cua, đường xóc, hai bánh sẽ bị dúi thêm về cùng một hướng dẫn đến hiện tượng cướp tay lái. Khi cộng thêm yếu tố đường xấu cũng sẽ khiến quá trình mài mòn lốp xe diễn ra nhanh hơn, không đều nhau, bánh xe có hình côn.

Quá trình sai số này diễn ra âm thầm, mắt thường rất khó phân biệt. Hiện, có thể chia những góc sai lệch như góc Camber (góc ngả của mặt phẳng bánh xe so với phương thẳng đứng nhìn từ đằng trước xe), góc Caster (góc ngả về sau của trục quay bánh lái so với phương thẳng đứng nhìn từ xe bên cạnh xe), Toe-in (độ chụm của bánh xe), SAI ( Sterring Axis Inclination – độ nghiêng của trụ lái), Thrust Angle (góc lệch giữa trục trung tâm của xe và hướng chuyển động của trục sau).

Quá trình đưa các thông số của xe trở lại đúng với tiêu chuẩn của nhà sản xuất gọi là phương pháp căn chỉnh góc đặt 4 bánh xe. Trước đây, do trình độ của kỹ thuật viên và máy móc không đảm bảo, có thể dẫn đến tình trạng người dùng khi mang xe đến các trung tâm bảo hành gặp phải tình trạng “lợn lành thành lợn què” hoặc không cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt trước và sau khi căn chỉnh.

Theo khuyến cáo từ phía các nhà sản xuất, khi xe chạy được khoảng 1 vạn km hoặc 6 tháng, chủ xe nên đem đi bảo dưỡng một lần. Quá trình kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, các nhân viên kỹ thuật sẽ kịp thời phát hiện ra những lỗi tiềm ẩn của xe như giảm sóc, rô tuyn, thước lái, láp…và tư vấn sửa chữa cho người dùng. Trong đó, việc bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ để cân bằng động và căn chỉnh độ chụm cũng sẽ giúp xe vận hành tốt nhất, quá trình mài mòn của lốp hạn chế tối đa, tuổi thọ của lốp vì thế cũng sẽ tăng đáng kể so với lốp đi cùng xe.

Căn chỉnh độ chụm bánh xe điện tử Hunter

Hệ thống máy căn chỉnh góc đặt độ chụm bánh xe điện tử Hunter được cung cấp bởi hãng Hunter của Mỹ, một trong những hãng chuyên chế tạo máy cân bằng động lốp nổi tiếng trên thế giới.

Máy được trang bị công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới, giúp thực hiện công việc chính xác và nhanh chóng, giảm thời gian để hoàn thành công việc, tăng năng suất và hiệu quả làm việc.

Thông qua công nghệ hiện đại, máy giúp đo và cân bằng động bánh xe chính xác nhất nhưng với khối lượng chì thêm vào ít nhất, giảm chi phí chì phát sinh khi cân bằng động.

Máy căn chỉnh góc đặt độ chụm bánh xe điện tử Hunter có những ưu điểm như sau:

Khả năng phát hiện lực dọc “Road Force” làm bánh bị nhẩy

Đây là một tính năng mới trong ngành công nghiệp dịch vụ ô tô. Tính năng này giúp chúng ta đo được sự đồng đều của lốp xe.

Thông thường với các máy cân bằng lốp thế hệ trước, việc cân bằng động chỉ có thể giúp bánh xe cân bằng về mặt khối lượng, còn về mặt hình dáng lồi lõm của lốp vẫn không thể kiểm tra và không thể khắc phục được. Khi đi trên đường do lực hướng tâm tác dụng lên bánh xe tại các vị trí lồi lõm sẽ gây nên rung động, tức là hiện tượng bánh bị nhẩy. Để kiểm tra độ lồi lõm với máy cân bằng động Hunter GSP 9700, một quả rulô mô phỏng mặt đường sẽ tạo một tải trọng tương đương 150 kg tác dụng lên bánh xe. Từ đó nó sẽ xác định được các vị trí lồi lõm trên lốp do mòn không đều, và hiển thị thành thông số lực (đơn vị Newton).

Khả năng phát hiện lực kéo ngang “Lateral Force” làm xe bị nhao lái

Lốp xe sau một thời gian sử dụng, dưới tác dụng lồi lõm của mặt đường cũng như sự sai lệch trong các góc đặt bánh xe sẽ làm cho lốp xe bị côn (mặt trong và ngoài của lốp mòn khác nhau), dưới tác dụng của tải trọng khi di chuyển trên đường sẽ gây ra lực kéo ngang lên lốp xe khiến xe bị nhao lái. Qua việc quan sát thông thường ta có thể thấy được độ côn của lốp, nhưng không thể tính toán được lực kéo ngang tác dụng lên lốp khi chịu tải với các máy cân bằng động cũ trước đây.

Điều này hoàn toàn thực hiện được với máy cân bằng động Hunter GSP 9700, bằng cách thông qua quả rulô mô phỏng mặt đường, máy sẽ đo được độ côn của từng lốp, từ đó tính toán được lực kéo ngang khi bánh xe quay có tải. Chức năng này kết hợp với chức năng Straight Track sẽ giúp giảm thiểu nhao lái đến thấp nhất, đem lại cảm giác lái xe an toàn cho người lái.

Chức năng giảm thiểu lực dọc “Force Matching”

Chức năng này được sử dụng để đo độ méo của vành cũng như độ méo của lốp, sau đó đưa vị trí thấp nhất của vành trùng với vị trí cao nhất của lốp. Việc này giúp các lực tác dụng lên vành và lốp tự triệt tiêu nhau, giúp giảm đi lực dọc tác dụng lên bánh xe, khiến bánh bị nhẩy.

Chức năng làm triệt tiêu lực kéo ngang “Straight Track”– giúp xe chạy thẳng:

Nhao lái là một hiện tượng dễ phát hiện nhưng khá mất thời gian để xác định nguyên nhân cũng như sửa chữa nó, nó khiến cho xe không thể chạy thẳng. Nhao lái có thể bắt nguồn từ rô tuyn cân bằng, từ hệ thống treo, các góc Camber, Caster hay độ chụm không đúng so với tiêu chuẩn hay ngay từ chính hệ thống phanh hoặc độ mòn không đều của lốp. Trong trường hợp nguyên nhân do độ mòn không đều của lốp, thông thường ta sẽ đảo lốp, tuy nhiên, việc này không giải quyết được hoàn toàn vấn đề một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Thời gian: Căn chỉnh góc đặt/độ chụm (Không có cân bằng động bánh xe):

  • Xe có bulông cam chỉnh: 30 phút
  • Xe có bulông chỉnh hệ treo Macpherson: 50 Phút